Theo dự báo, đến năm 2030 lượng pin mặt trời phế thải là khoảng 2 triệu tấn và sẽ tăng lên khoảng 12 triệu tấn vào năm 2050…
Theo Quyết định số 2068/QĐ-TTg được Thủ tướng Chính phủ ban hành ngày 25/11/2015 phê duyệt Chiến lược phát triển năng lượng tái tạo của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, điện năng sản xuất từ điện mặt trời sẽ đạt khoảng 35,4 tỷ kWh vào năm 2030 và tăng lên 210 tỷ kWh vào năm 2050.
Như vậy, để có được sản lượng điện mặt trời nêu trên thì công suất lắp đặt điện mặt trời đến năm 2030 là khoảng 29.000 MWp và tăng lên 170.000 MWp vào năm 2050.
1 MWp THẢI RA GẦN 70 TẤN PHẾ THẢI
Tính toán của Viện Năng lượng (Bộ Công Thương) cho thấy, trung bình một nguồn điện mặt trời công suất 1 MWp sẽ thải ra gần 70 tấn phế thải sau khoảng 20 – 25 năm kể từ ngày nguồn bắt đầu phát điện. Như vậy, nếu đúng như dự báo của Chiến lược Phát triển Năng lượng tái tạo đã được phê duyệt, thì lượng pin mặt trời phế thải đến năm 2030 khoảng 2 triệu tấn và tăng lên khoảng 12 triệu tấn vào năm 2050.
Theo dự thảo Quy hoạch Phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030 tầm nhìn đến năm 2045 (Quy hoạch Điện VIII) đến năm 2030 công suất điện mặt trời khoảng 18.890 MWp và năm 2045 dự kiến khoảng 53.000 MWp. Nếu dự báo trong dự thảo Quy hoạch điện VIII trở thành hiện thực, thì khối lượng tích lũy chất thải tấm pin mặt trời ước tính hơn 400 nghìn tấn vào 2035 và khoảng 1,9 triệu tấn vào năm 2045.
CHẾ TÀI ĐÃ CÓ, QUAN TRỌNG LÀ TRÁCH NHIỆM
Từ những phân tích trên, ông Hiển nhận định phế thải pin năng lượng mặt trời sẽ không phải là chất thải nguy hại mà là nguồn tài nguyên để tái sử dụng cho mục đích sản xuất pin mặt trời mới có chất lượng cao hơn và giá thành rẻ hơn. Ngoài ra, cũng có thể sử dụng cho mục đích khác.
Hơn nữa, tuổi thọ của pin điện mặt trời rất dài 20 – 30 năm. Pin mặt trời từ những năm 1970, 1980 hiện vẫn còn đang được sử dụng. Do đó, lượng pin mặt trời trên thế giới cần xử lý khá ít so với quy mô đã được sản xuất và chủ yếu là do khiếm khuyết, hỏng hóc. Ở Việt Nam đến 20 – 30 năm nữa mới là thời điểm bắt đầu xem xét phương án xử lý các tấm pin mặt trời hết hạn sử dụng.
Chia sẻ kinh nghiệm xử lý, tái chế tấm pin năng lượng mặt trời của các nước trên thế giới, ông Đào Trần Nhân, đại diện Hiệp hội Thông tin tư vấn Kinh tế Thương mại cho biết Chính phủ Hàn Quốc đã ban hành luật mới “Chương trình trách nhiệm của nhà sản xuất mở rộng sẽ có hiệu lực từ năm 2023”.
Thực tế, Việt Nam đã có những quy định cụ thể liên quan đến việc xử lý tấm pin năng lượng mặt trời đã có. Tại Thông tư 18/2020/TT-BCT của Bộ Công Thương ban hành ngày 17/7/2020 quy định về phát triển dự án và hợp đồng mua bán điện mẫu áp dụng cho các dự án điện mặt trời , trong đó điều khoản yêu cầu về môi trường nói rõ: Trong quá trình vận hành hoặc khi kết thúc dự án điện mặt trời nối lưới, hệ thống điện mặt trời mái nhà, bên bán điện có trách nhiệm thu gom, tháo dỡ, hoàn trả mặt bằng và chịu trách nhiệm xử lý toàn bộ vật tư, thiết bị của các công trình điện mặt trời theo đúng quy định của pháp luật.
“Chế tài đã có, quan trọng là trách nhiệm, kinh phí dự trữ để tái chế, không để hình thành bãi thải khổng lồ, tạo gánh nặng cho xã hội”, TS Khôi kiến nghị.
Theo vneconomy.vn
BẤM XEM THÊM